Tìm giải pháp phát triển nông nghiệp sạch

Thứ hai - 10/04/2017 09:10
Một số địa phương đã có những mô hình đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng số lượng còn ít, chưa phổ biến.
Tìm giải pháp phát triển nông nghiệp sạch

Với mục đích cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội, đông đảo cử tri và bạn đọc về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, vai trò quản lý Nhà nước đối với mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, an toàn theo xu hướng của thế giới, sáng 28/3, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông nghiệp sạch".

Vướng mắc trong tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông nghiệp sạch

Từ khi có Nghị quyết 26-NQ/TW (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nền nông nghiệp nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Mô hình nông nghiệp sạch được thúc đẩy phát triển, phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta phát triển còn kém bền vững, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất.

Thực tế, một số địa phương đã có những mô hình đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như trồng hoa, rau sạch, chuối xuất khẩu, nuôi bò... nhưng số lượng còn ít, chưa phổ biến. Nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư, còn chần chừ chờ đợi chính sách.

 


Phát triển nông nghiệp sạch. Ảnh: Thùy Dung – TTXVN

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hồng Sơn, trong giai đoạn hiện nay, khi hệ thống sản xuất không đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá, sản xuất nông nghiệp đã bộc lộ những hạn chế, đó là: hiệu quả kinh tế thấp, chi phí sản xuất cao, giá trị sản phẩm bán thấp so với mặt hàng cùng loại trên thế giới và không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Sơn cho biết còn có một số tồn tại khác như sự chấp nhận và chọn lọc của cộng đồng xã hội. Người dân chưa thực sự ủng hộ và tin tưởng vào sản phẩm nông sản an toàn.

Vì vậy, những sản phẩm này không mang lại giá trị gia tăng cao hơn so với các sản phẩm bình thường, không khuyến khích được sản xuất. Cơ chế giám sát còn nhiều lỗ hổng, khiến người tiêu dùng khó có thể nhận diện được sản phẩm an toàn.

Trưởng Phòng Kế hoạch, Cục Thú y Đỗ Hữu Dũng khẳng định, thách thức lớn nhất trong ngành chăn nuôi là làm sao sản xuất được sản phẩm chất lượng với giá thành cạnh tranh, trong đó vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh liên quan chủ yếu tới việc lạm dụng các hóa chất đầu vào.

Hiện nay, khung pháp lý về an toàn thực phẩm ở Việt Nam đã được cải tiến rất nhiều nhưng quá trình triển khai trên thực tiễn còn nhiều hạn chế.

Nhiều ý kiến cho rằng còn nhiều hạn chế trong chính sách mở rộng hạn điền, chính sách về tín dụng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp xanh, sự phối kết hợp giữa nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà kinh doanh.

Giải pháp nào cho nền nông nghiệp xanh?

Các khách mời tham gia cuộc tọa đàm cho rằng, để tái cơ cấu nông nghiệp gắn liền với việc phát triển nền nông nghiệp sạch, tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp đồng thời đóng góp vào việc cung cấp các sản phẩm an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng, cần tập trung đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng cường sử dụng chỉ dẫn địa lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo các tiêu chuẩn sản xuất nhất định như VietGAP.

Đồng thời, hiện đại hóa công tác chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu và đặc biệt cần chú trọng tới việc thay đổi nhận thức của người sản xuất cũng như người tiêu dùng đối với sản phẩm sạch.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phạm Mạnh Cường, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại, giúp nông nghiệp Việt Nam cất cánh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành khẩn trương xem xét, sửa đổi bổ sung, ban hành một số chính sách mới, gồm các chính sách tháo gỡ vướng mắc nút thắt về đất đai, trong đó có đề xuất rà soát các chính sách đất đai, tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; Đẩy mạnh thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết, coi doanh nghiệp là trọng tâm, các hợp tác xã là cầu nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết giữa 4 nhà là: nhà nông, nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 210 và các chính sách có liên quan theo hướng tạo điều kiện thông thoáng nhất để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; xem xét sửa đổi Nghị định số 55 của Chính phủ và các thông tư liên quan về chính sách tín dụng cho nông nghiệp.

Bộ đề nghị Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn cụ thể, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thông thoáng cho người dân tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp và mở rộng hình thức cho vay tín chấp, cũng như qua các dự án có hiệu quả kinh tế cao.

Điều quan trọng, ông Phạm Mạnh Cường nhấn mạnh, cần phải đẩy mạnh lồng ghép, điều phối mạnh mẽ hơn nữa các chương trình, chủ trương chính sách, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia, làm sao huy động được các nguồn lực lớn cho phát triển nông nghiệp./.

Nguồn tin: BNEWS.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây