Viện Nghiên cứu Ngô

https://www.nmri.org.vn


Giống đã được công nhận lưu hành bị sản xuất, kinh doanh loạn xị

Giống ngô lai LVN10 của Viện Nghiên cứu Ngô đã được công nhận lưu hành lại theo Luật Trồng trọt, song thực tế lại đang 'loạn xị' giống LVN10 trên thị trường.

Ngó lơ quy định của Luật Trồng trọt

Theo Luật Trồng trọt (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020)việc công nhận lưu hành lại giống cây trồng thể hiện giống đó là của tác giả hay tổ chức, cơ quan tác giả cụ thể. Nhiều quan điểm cho rằng, các giống trước khi Luật Sở hữu trí tuệ ra đời (2005) không thể làm bảo hộ thì đến nay việc trả lại cho "chính chủ" cũng là việc nên làm.

Hiện tại, đã có nhiều tác giả, cơ quan tác giả tiến hành công nhận lưu hành lại những giống trước đây do mình tạo ra. Theo Điều 22, Luật Trồng trọt, sau khi tác giả, cơ quan tác giả tiến hành gia hạn công nhận lưu hành lại giống thì các đơn vị muốn tiếp tục sản xuất, kinh doanh giống đó phải được sự đồng ý của tác giả, cơ quan tác giả giống. Tuy nhiên, trên thực tế, một số đơn vị thực thi việc này vẫn còn hời hợt, thậm chí ngó lơ gây ra nhiều bức xúc, giảm uy tín của tác giả, cơ quan tác giả giống.

Giống ngô LVN10 do Viện Nghiên cứu Ngô chọn tạo, được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) công nhận lưu hành lại theo quyết định số 295/QĐ-TT-CLT ngày 18/10/2022. Ảnh: TL.

Xin nêu một ví dụ cụ thể về tình hình sản xuất, kinh doanh giống ngô lai LVN10 do Viện Nghiên cứu Ngô (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) chọn tạo. Đây là giống ngô đã "làm mưa làm gió" trên thị trường giống ngô trước đây, và cho đến nay giống này vẫn còn sức cạnh tranh bền bỉ trên thị trường giống.

LVN10 đã được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật (TBKT) từ năm 1994 theo Quyết định số 1058 NN-KHKT/QĐ ngày 26/8/1994 của Bộ Nông nghiệp - Công nghệ thực phẩm (nay là Bộ NN-PTNT). Khi Viện Nghiên cứu Ngô đưa giống ra sản xuất, do chưa có Luật Sở hữu trí tuệ nên Viện không tiến hành bảo hộ. Do đó, nhiều đơn vị đã vị khai thác, sử dụng tự do bằng cách giữ lại dòng bố mẹ rồi tự sản xuất, kinh doanh hạt giống lai mà không có hợp đồng hợp tác hay được sự ủy quyền của cơ quan tác giả.
 

ừ khi giống được phép đưa vào sản xuất cho đến năm 2005, khi Viện Nghiên cứu Ngô thành lập Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Tư vấn và Đầu tư phát triển ngô (năm 2014, được cổ phần hóa với tên gọi Công ty Tư vấn và Đầu tư phát triển ngô), giống LVN10 chỉ được Viện ủy quyền cho Công ty này sản xuất và kinh doanh đến năm 2024. Ngoài ra, Viện không ký hợp đồng chuyển nhượng quyền phân phối hoặc khai thác giống LVN10 cho bất cứ một đơn vị hay cá nhân nào khác.

Năm 2022, theo quy định mới của Luật Trồng trọt, giống ngô LVN10 được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) công nhận lưu hành lại theo quyết định số 295/QĐ-TT-CLT ngày 18/10/2022.

Theo Viện Nghiên cứu Ngô, từ khi có quyết định gia hạn công nhận lưu hành lại giống LVN10, Viện đã gửi văn bản thông báo về quyền tác giả đối với giống LVN10 tới Sở NN-PTNT các tỉnh để phối hợp kiểm tra, quản lý.

Tại các đại lý trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Sơn La bày bán "giống ngô LVN10" của rất nhiều đơn vị khác nhau. Ảnh: Trung Quân.

Một số doanh nghiệp kinh doanh giống cũng đã gửi văn bản và thực hiện thương thảo ký hợp đồng về việc ủy quyền sản xuất kinh doanh giống ngô lai LVN10 như Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), Công ty Cổ phần Giống cây trồng Lộc Trời, Công ty TNHH hạt giống Phú Nông...

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, giống ngô này vẫn được nhiều đơn vị, doanh nghiệp sản xuất tràn lan, bày bán công khai tại các đại lý mà chưa được sự đồng ý của Viện Nghiên cứu Ngô (cơ quan tác giả) theo quy định, và cũng chưa thấy các địa phương, cơ quan chức năng có thẩm quyền ra tay kiểm tra, xử lý theo luật định.

Dạo quanh các đại lý, cửa hàng kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Sơn La..., không khó để bắt gặp hàng loạt loại giống "ngô LVN10" do nhiều đơn vị, doanh nghiệp sản xuất với mẫu mã bao bì na ná nhau bày bán công khai, mà khi nhìn vào đến người sành sỏi cũng dễ “loạn” vì không biết đâu mới là giống LVN10 thực sự chất lượng.

Chủ đại lý Tiến Vân (Thị trấn Tuần Giáo, Điện Biên) chia sẻ: Hiện tại, trong cửa hàng đang bày bán cùng lúc giống ngô LVN10 của nhiều đơn vị như Công ty TNHH Tập đoàn Xuất nhập khẩu giống cây trồng Thái Lan và một số công ty khác. Những đơn vị cung cấp giống LVN10 đều là những mối hàng quen từ nhiều năm nay nên khi họ chào hàng thì nhập bán hoặc cho họ gửi hàng quảng cáo, còn việc “chủ nhân” thực sự của giống thuộc về ai thì không rõ.

“Công ty lớn, công ty nhỏ đều có cả. Bao bì các loại thì na ná giống nhau, còn về chất lượng thì đơn vị nào cũng quảng cáo giống LVN10 là do mình tự sản xuất, cam kết đảm bảo chất lượng. Người dân thì chọn giống đa phần dựa vào thói quen, tức là trồng quen loại nào thì lần sau lại mua loại đấy hoặc thấy bao bì quen có tên LVN10 là mua chứ không ai quan tâm là do đơn vị nào sản xuất, thậm chí có gia đình còn mặc kệ, cứ mang về trồng được thì có lương thực ăn không được thì cắt cho trâu ăn”, chủ đại lý Tiến Vân thành thật chia sẻ.

Anh Nam, nhân viên thị trường bán giống ngô cho một đơn vị uy tín trên địa bàn tỉnh Sơn La, Điện Biên bật mí: Đã là người làm trong ngành giống thì không ai không biết đến giống LVN10 và “chủ nhân” thực sự của nó là Viện Nghiên cứu Ngô. Tuy nhiên, qua nhiều năm, các đơn vị được khai thác tự do nên giờ họ vẫn tự sản xuất rồi bán giống. Cũng vì ai cũng tự cho mình quyền được sản xuất nên mới có tình trạng “loạn giống” LVN10 như vậy.

Theo chủ đại lý Tiến Vân (Thị trấn Tuần giáo, Điện Biên), các đơn vị đến chào hàng cho đại lý đều quảng cáo "giống LVN10" là do mình tự sản xuất, cam kết đảm bảo chất lượng. Ảnh: Trung Quân.

Nhiều đại lý cấp 1 ban đầu chỉ là đơn vị phân phối cho các công ty lớn, sau thấy giống LVN10 tiêu thụ tốt nên cũng đăng ký thành lập công ty, thực chất là lấy danh nghĩa để in bao bì, rồi sang chiết giống của các đơn vị, biến thành của mình. Dần dà có uy tín thì tuồn cả hạt giống kém chất lượng vào để trục lợi.

“Nếu xét đến cùng thì hầu hết các công ty nhỏ không đủ năng lực sản xuất hạt giống mà chỉ đặt hàng một số nhà sản xuất hạt giống F1 thô, sau đó đưa về đóng vào bao bì của công ty và kinh doanh. Hạt giống bố mẹ từ các đơn vị sản xuất trên không được duy trì và bồi dục đúng phương pháp nên chất lượng di truyền và tiêu chuẩn hạt giống không được kiểm chứng. Quá trình sản xuất, chế biến và đóng gói hạt lai không được kiểm soát đúng quy trình, thì thử hỏi chất lượng ở đâu”, anh Nam nêu thực trạng.

Theo TS Vương Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô, hiện nay, sản xuất giống ngô lai LVN10 trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, đất đai, thiếu lao động, chuyển dịch cơ cấu cây trồng của các địa phương… Do đó, theo thống kê, trong nhiều tháng qua, giống ngô này không có đủ số lượng để cung cấp cho thị trường.

 

Vậy, câu hỏi đặt ra là những giống "ngô LVN10" đang bày bán tràn lan trên thị trường liệu có thực sự đảm bảo chất lượng, trong khi giống bố mẹ do Viện Nghiên cứu ngô duy trì, lưu giữ và không hề chuyển giao cho đơn vị nào khác (muốn sản xuất phải có hợp đồng hợp tác và mua giống bố mẹ của Viện, có sự giám sát của cơ quan kiểm định, kiểm nghiệm trong quá trình sản xuất).


Hệ lụy khôn lường

Theo TS Vương Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô, để sản xuất hạt giống ngô nói chung và LVN10 nói riêng, cần phải đảm bảo được những yêu cầu rất nghiêm ngặt như: Phải có dòng (giống ngô) bố, mẹ có chất lượng tốt nhất (đúng giống về mặt di truyền và đảm bảo chất lượng hạt giống về độ sạch cơ giới, độ ẩm, độ nẩy mầm…). Nghĩa là, giống ngô bố mẹ (dòng bố mẹ) của giống ngô lai đó phải được cấp bởi tác giả hoặc cơ quan tác giả. Quá trình nhân dòng phải được kiểm định, kiểm nghiệm của các cơ sở kiểm định, kiểm nghiệm được chỉ định.

Việc giống ngô lai LVN10 được nhiều đơn vị sản xuất tràn lan mà không được phép của cơ quan tác giả sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý giống, quản lý chất lượng giống. Ảnh: Trung Quân.

Bên cạnh đó, để tạo được 1 giống ngô lai, thông thường các nhà khoa học phải mất khoảng thời gian từ 7 - 10 năm hoặc lâu hơn, cùng với sự đầu tư rất nhiều về công sức, kinh phí và cơ sở vật chất (phòng thí nghiệm, ruộng thí nghiệm, nhà xưởng, vật tư…).

Vì vậy, việc giống ngô lai LVN10 được nhiều đơn vị sản xuất tràn lan mà không được phép của cơ quan tác giả (không có hợp đồng chuyển giao, chuyển nhượng, không có mua bán giống ngô bố, mẹ...), tự thiết kế mẫu bao bì với tên LVN10 và kinh doanh tự do sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý giống, quản lý chất lượng giống của các cơ quan chức năng; vi phạm Luật Trồng trọt. Bên cạnh đó, giống bố mẹ không được duy trì theo đúng phương pháp dẫn đến độ thuần về di truyền bị thay đổi, làm thay đổi bản chất của giống, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, việc sản xuất vô tội vạ dẫn tới không quản lý được các khâu nhân dòng, sản xuất hạt lai... Từ đó, gây khó khăn trong công tác quản lý và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình trồng ngô của người dân.
 

Bạn đang đọc bài viết Giống đã được công nhận lưu hành bị sản xuất, kinh doanh loạn xị tại chuyên mục Khoa học - Công nghệ của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư [email protected] hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.

Trung Quân

 

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây