Giống ngô lai TM181 đóng bắp kín, lõi nhỏ, chịu bệnh tốt, cần ít phân thuốc

Thứ hai - 21/08/2023 15:00
ĐẮK LẮK - Giống ngô lai TM181 được trồng ở Tây Nguyên cho năng suất vượt trội, chống chịu các loại sâu bệnh nên được người dân đánh giá cao.

Bón phân giảm một nửa, năng suất vẫn vượt trội

Những ngày này, bà Vũ Thị Lựu (ngụ xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) đang chuẩn bị thu hoạch gần 1ha ngô của gia đình. Năm nay, gia đình bà Lựu được Trạm Ngô phía Nam (Viện Nghiên cứu Ngô) hỗ trợ trồng thử nghiệm giống ngô lai TM181.

Khi trồng giống ngô lai TM181, bà Lựu lo lắng vì đây là giống mới, chưa trồng bao giờ, không biết năng suất thế nào và có chống chịu được với điều kiện của Tây Nguyên hay không. Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch, gia đình bà vui mừng khi thấy bắp to đẹp. Đặc biệt, lõi bắp ngô rất nhỏ nên năng suất cao.

A1
Bà Vũ Thị Lựu vui mừng khi gần 1ha ngô lai TM181 của gia đình cho năng suất tốt. Ảnh: Quang Yên.

“So với các giống ngô khác trước đây gia đình trồng thì năng suất giống TM181 có thể tương đương. Tuy nhiên, chi phí đầu tư khi trồng giống ngô lai TM181 thấp hơn rất nhiều. Dự kiến năm nay gia đình thu gần 9 tấn trên diện tích 1ha”, bà Lựu phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư M’gar cho biết, qua thời gian đưa vào sản xuất, giống ngô lai TM181 rất được người dân rất ưa chuộng vì có rất nhiều ưu điểm. Hạt phủ kín bắp, rất kín đầu bi nên khi gặp mưa nhiều cũng không bị thối bắp. Đặc biệt, bắp rất đều hạt, vỏ hạt sáng bóng.

Theo ông Thông, giống ngô lai TM181 chống chịu bệnh rất tốt. “Những giống ngô khác đến khi chuẩn bị đậu trái, ra hạt thì nấm bệnh rất nhiều. Tuy nhiên, giống giống ngô lai TM181 chống chịu được nấm bệnh, mặc dù sắp thu hoạch nhưng lá, cây vẫn còn xanh tốt, rất thích hợp cho nhiều gia đình nuôi bò vì có thể tận dụng làm thức ăn. Thời gian qua trên địa bàn mưa nhiều nhưng giống ngô lai TM181 vẫn không bị nấm bệnh”, ông Thông cho biết.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư M’gar cho biết thêm, sau thời gian trồng thử nghiệm, giống ngô lai TM181 đạt năng suất hơn 9 tấn/ha, cao vượt trội so với các giống ngô trước đây bà con địa phương sản xuất. “Tập quán người dân tại địa phương là hay xịt thuốc cỏ và bón phân nhiều. Đối với giống ngô lai TM181 tại mô hình trồng thử nghiệm chỉ phun thuốc 1 lần và bỏ phân chỉ bằng một nửa so với những giống khác nhưng năng suất vẫn vượt trội. Đây là ưu điểm lớn nhất”, ông Thông nói thêm.

Nhiều lợi thế để mở rộng sản xuất ở Tây Nguyên

Ruộng ngô của gia đình bà Lựu sử dụng giống ngô lai TM181 và được trồng theo hướng dẫn của nhân viên Trạm Ngô phía Nam (Viện Nghiên cứu Ngô) nên cây phát triển tốt. Cây ngô cao gần 2m, mặc dù chỉ còn khoảng 5 ngày nữa thu hoạch nhưng lá, thân vẫn còn xanh tươi. Đặc biệt, bắp ngô vàng óng, có chiều dài hơn 25cm, đều hạt và kín hạt từ đầu đến cuối bắp.
 

A2
Giống ngô lai TM181 đến thời điểm thu hoạch nhưng lá và thân vẫn còn xanh tốt. Ảnh: Quang Yên.

Thạc sĩ Nguyễn Duy Duyên, Trạm trưởng Trạm Ngô phía Nam cho biết, giống ngô lai TM181 đã được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) công nhận lưu hành theo Quyết định số 330/QĐ-TT-CLT ngày 2/11/2022 cho các vụ, vùng trồng ngô tại các tỉnh phía Bắc. Sau khi được công nhận, trồng thành công tại các tỉnh phía Bắc, Viện Nghiên cứu Ngô đã mở rộng công nhận lưu hành cho các vụ, vùng trồng ngô ở Tây Nguyên.

Theo ông Duyên, giống ngô lai TM181 được phát triển từ tổ hợp lai TH20 x CN6745. Giống có thời gian sinh trưởng thuộc nhóm chín trung bình sớm, khoảng 107 - 111 ngày trong vụ xuân - tương đương DK9901 và ngắn hơn đối chứng DK6919 là 1 ngày; 110 - 116 ngày trong vụ hè thu; 107 - 122 ngày trong vụ đông và ngắn hơn DK9901 và DK6919 là 2 - 5 ngày.

Giống ngô lai TM181 có chiều cao cây và chiều cao đóng bắp trung bình, cấu trúc bắp và màu sắc đẹp; khả năng chịu hạn, chịu rét rất tốt; khả năng chống đổ gãy rất tốt, chỉ nhiễm nhẹ một số sâu bệnh hại như đục thân, đục bắp, rệp cờ, khô vằn, đốm lá, thối thân...

Giống ngô lai TM181 có tiềm năng năng suất cao. Năng suất thực thu hạt khô trung bình tại các vùng sinh thái khác nhau đạt 75 tạ/ha trong vụ xuân, trên 80 tạ/ha trong vụ hè thu, trên 74 tạ/ha trong vụ đông và đông xuân, cao hơn trên 10% so với các giống ngô lai đang được trồng đại trà tại các vùng trồng ngô hiện nay.

A3
Giống ngô lai TM181 cho năng suất vượt trội, chống chịu tốt sâu bệnh nên phù hợp triển khai 2 vụ tại Tây Nguyên. Ảnh: Quang Yên.

Giống ngô lai TM181 có thời gian sinh trưởng ngắn, khi bắp đã đến thời điểm thu hoạch (lá bi đã vàng) thì thân và lá vẫn còn rất xanh. Đặc tính chín sớm này thể hiện nhiều lợi thế hơn so với các giống khác khi gieo trồng ở các vùng xen canh, bố trí cơ cấu thời vụ dễ dàng hơn nhằm né tránh được mùa mưa hoặc hạn hán ở các vùng trồng ngô nhờ nước trời.

“Giống có khả năng chịu hạn, khả năng kết hạt tốt, đóng bắp kín. Bộ rễ chân kiềng khỏe nên khả năng chống đổ gãy tốt, chống chịu tốt với sâu bệnh hại. Đặc biệt, chất lượng hạt thương phẩm, dạng bắp to dài, độ đóng hạt tốt, màu hạt da cam, dạng đá, lõi nhỏ, tỷ lệ hạt trên bắp cao, khả năng chống mọt rất tốt”, Thạc sĩ Nguyễn Duy Duyên chia sẻ.

Cũng theo ông Duyên, giống ngô lai TM181 là một trong những giống rất là triển vọng khi triển khai trên diện rộng tại khu vực Tây Nguyên.

“Qua đánh giá, giống ngô lai TM181 có một số ưu điểm như chống chịu sâu bệnh tốt vào mùa mưa ở Tây Nguyên. Khi vỏ bi vàng hết nhưng thân, lá còn xanh. Đây là giống ngắn ngày, chín sớm. Với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, mùa mưa đến sớm, do đó giống ngô lai TM181 sẽ có lợi thế triển khai 2 vụ cho Tây Nguyên. Sắp tới, Trạm Ngô phía Nam sẽ tiếp tục triển khai, nhân rộng giống ngô lai TM181 ra các tỉnh Tây Nguyên để trở thành giống chủ lực tại khu vực này”, Thạc sĩ Nguyễn Duy Duyên nói thêm.

Minh Quý
 

Nguồn tin: Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây